Trường THPT Triệu Sơn II - 45 năm một chặng đường...
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, lớp lớp các thế hệ thầy và trò nhà trường đã không ngừng khắc phục khó khăn, vững bước đi lên dưới lá cờ vinh quang của Đảng và truyền thống vẻ vang của quê hương Triệu Sơn anh hùng. Xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, vì sự nghiệp trồng người cao cả.
Tháng 8 năm 1968, do nhu cầu phát triển giáo dục mới ở khu vực phía Nam huyện Triệu Sơn, một bộ phận của trường cấp III Triệu Sơn được tách ra thành trường cấp III Triệu Sơn 2 (nay là THPT Triệu Sơn 2), địa điểm đóng tại làng Dực Khê (Trại thuốc) xã Nông Trường. Trong những ngày đầu, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, xong với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn, nhà trường từng bước củng cố cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng nề nếp Dạy và học.
Sau hai năm học đầu, số lượng học sinh và qui mô lớp học tăng nhanh. Để đáp ứng nhiệm vụ mới. Năm học 1971-1972, trường Cấp III Triệu Sơn 2 chuyển về địa điểm mới tại Xã Thái Hòa, gần đường liên huyện để thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh. Sau 5 năm học với biết bao khó khăn trồng chất, nhưng hoạt động Dạy và học của nhà trường thực sự đi vào thế ổn định. Qui mô lớp học ngày càng phát triển.
Cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước đi vào giai đoạn quyết liệt. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ giáo viên và học sinh xác định rõ lập trường tư tưởng, vừa giảng dạy – Học tập, vừa tham gia lao động sản xuất và chiến đấu. Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy và trò trong khi Dạy và học.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Trong không khí cả nước ca vang khúc ca khải hoàn, Thầy và trò nhà trường cũng từng bừng đón một năm học mới trong niềm vui mới của ngày nước nhà thống nhất. Hơn lúc nào hết, trong tâm thức thầy và trò nhà trường luôn tự nhũ phải nỗ lực không ngừng trong việc Day - Học để xứng đáng với những gì cha ông ta đã phải hi sinh mới giành được, góp phần làm cho mảnh đất quê hương Triệu Sơn ngày càng giàu đẹp.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, lớp lớp các thế hệ thầy và trò nhà trường đã không ngừng khắc phục khó khăn, vững bước đi lên dưới lá cờ vinh quang của Đảng và truyền thống vẻ vang của quê hương Triệu Sơn anh hùng. Xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, vì sự nghiệp trồng người cao cả. Dù trong khói lửa chiến tranh hay trong không khí hối hả dựng xây đất nước thời đại mới, thầy và trò nhà trường luôn tự nhũ phải nỗ lực không ngừng trong việc Day - Học, góp phần cùng toàn ngành xây dựng một nền Giáo dục “Tiên tiến - Hiện đại - Đậm đà bản sắc dân tộc”; một xã hội “Công bằng - Dân chủ - Văn minh”.
Đã 45 mùa thu đã đi qua. Tự hào với truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò Trường THPT Triệu Sơn 2 đang vững bước đi lên xây dựng nhà trường thành đơn vị giáo dục có uy tiến trong sự nghiệp giáo dục huyện nhà nói riêng và giáo dục Thanh Hóa nói chung. Tỷ lệ thi đỗ Tốt nghiệp hàng năm đạt từ 99,8% - 100%; trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh xếp trong tốp 10/105 trường THPT trong toàn tỉnh; tỷ lệ thi đậu vào các trường Đại học đạt từ 30% đến 45%. Năm học 2008 – 2009 và 2009-2010 có 03 học sinh đạt giải quốc gia về giải toán trên máy tính Casio; có 02 học sinh thi đỗ Á khoa ở các trường đại học danh tiếng: em Lê Hữu Minh - Á khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội và em Đặng Duy Anh - Á khoa Đại học Dược Hà Nội; em Hoàng Trung Nguyên đạt huy chương vàng hội khỏe phù đổng toàn quốcmôn võ Karatedo (2010) và em Nguyễn Văn Lâm đạt huy chương đồng Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc môn võ Vovinam (2012). Đặc biệt, trong kì thi tuyển sinh Đại học năm học 2012-2013, nhà trường đã đạt kết quả đáng khích lệ: Có em Nguyễn Thị Bích Diệp lớp 12C2 đỗ thủ khoa ĐHQG Hà Nội - ĐHKHTN (đạt 29 điểm khối B); 11 em đạt điểm thi từ 27 điểm trở lên; Với điểm bình quân 15.93 điểm/1hs, trường THPT Triệu Sơn 2 xếp thứ 8/105 trường THPT trong tỉnh và 206/2786 trường THPT toàn quốc.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được đầu tư. Hiện nhà trường có 17 thầy cô giáo và cán bộ quản lý có trình độ thạc sỹ, đang theo học cao học 2 đồng chí; 100% Giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Có 9 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 35 thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Đằng sau sự trưởng thành của các thế hệ học sinh là sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ nhà giáo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thầy giáo, cô giáo luôn chung sức chung lòng, tâm huyết, thương yêu, đùm bọc, chở che, chỉ bảo ân cần cho học sinh. Các nhà giáo không chỉ đem đến niềm tin của trí tuệ, sự hiểu biết, thắp sáng ước mơ, khát vọng mà còn hun đúc trong nhân cách của các em đạo lý và giá trị làm người.
Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Đến nay, toàn trường đã xây dựng được hai khu nhà cao tầng với 34 phòng học khang trang; đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học với trị giá hơn 1 tỷ đồng; khuôn viên sân trường được bê tông hóa, thảm cỏ, cây xanh, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Năm học 2011 - 2012, nhà truờng đã soạn thảo kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 để trình UBND huyện, Sở GD & ĐT Thanh Hoá, UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt.
Công tác xã hội hoá giáo dục được nhà trường quan tâm và xác định đây là khâu then chốt để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà trường “Tiên tiến - kiểu mẫu”. Hàng năm, nhà trường kêu gọi và đón nhận sự trở về của các thế hệ cựu học sinh, góp phần xây dựng nhà trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trong những năm qua, nhà trường - các tổ chức đoàn thể - cá nhân cán bộ giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, UBND Tỉnh Thanh Hoá và các tổ chức Đoàn - Hội từ Trung ương đến địa phương tặng nhiều giấy khen và bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Năm học 2010 - 2011, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm học 2012 - 2013, nhà trường được nhà nước phong tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Đây là thành tích rất đáng tự hào của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh gắn liền với chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành.
Thời điểm này, bao thế hệ cán bộ giáo viên và học sinh của nhà trường đang chuẩn bị trở về thăm lại trường xưa. Ai cũng muốn trở về miền ký ức "thần tiên" với ô cửa sổ thân thương, những ngăn bàn gỗ lấm lem màu mực tím; những lá thư viết vội, những bài thơ còn dang dở và cái nắm tay vội vàng, ngập ngừng, để rồi thao thức suốt đêm thâu. Phượng vẫn thắm đỏ cả một miền ký ức, ve vẫn hát hoài bản tình ca đầu tiên. Nồng nàn, trong sáng, khờ khạo và tinh khôi. Đây gốc xà cừ đã qua bao mùa bão gió; đây tán lá bàng xum xuê, rượi mát tuổi thơ ngây biết bao mùa thi qua; đây hàng phượng vĩ, những gốc cây xà cừ xù xì suốt mùa gội rửa nắng mưa, chăm chút từng chồi biếc để đơm bông gọi mùa thu đến…Và bóng dáng thầy, cô, lặng lẽ bao mùa, cần cù, nhẫn nại làm người lái đò đưa biết bao thế hệ qua sông. Bởi vậy, các em học sinh cảm nhận được nhiều hơn những gì vốn có từ trong sách vở. Đó chính là cái hào khí thiêng liêng của cả một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; là cảm hứng sống mãnh liệt, vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ để trưởng thành và cống hiến; là bài học làm người phải biết hy sinh, quên đi cái “tôi” nhỏ bé trong kiếp người để suy nghĩ, hành động cho mọi người, cho tập thể, quốc gia, dân tộc. Bài học đó, các em có đi hết cuộc đời, đi hết mọi nẻo đường cũng không thể nào quên được. Mỗi thế hệ học trò đi qua- một công trình nữa lại hoàn thành. Công trình ấy được xây đắp nên chính bởi tài năng và trí tuệ, sự kiên trì, bền bỉ, sự bao dung, độ lượng của các thế hệ thầy cô dưới mái trường này.