Trồng cây gì nuôi con gì...xin đừng hỏi nữa
Tôi từng là một nông dân thứ thiệt, có thể làm được tất cả các công việc nông gia ở mức thành thạo đấy các bạn ạ. Sau bao năm nỗ lực từ tờ mờ sáng tới đêm khuya mà không khá lên được, tôi cũng tự hỏi: "Trồng cây gì, buôi con gì để thoát nghèo đây?".

trồng cây gì nuôi con gì
 
Đó không ngờ cũng là câu hỏi lớn của Chính phủ. Khi tôi đọc báo, nghe đài, xem tivi thấy cựu Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đi tới đâu cũng hỏi: "Trồng cây gì, nuôi con gì?". Tôi biết các bác ấy muốn tìm lối thoát cho nền nông nghiệp Việt Nam thật sự.

Sau này, mãi mà không thể trả lời được câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì" đem lại hiệu quả kinh tế, người ta mới mỉa mai, hài hước rằng: "Trồng cây thuốc phiện, nuôi con ca-ve"...Thế mới biết thoát nghèo khó đến mức nào!

Hồi những năm 1986 - 1989, cứ vào vụ thu hoạch su hào, cà chua, bắp cải...là mẹ và các thím tôi hôm nào cũng gánh gồng kẽo kẹt xuống thị xã bán từ lúc trời còn chưa sáng. Bán khó lắm vì nhiều người bán, ít người mua. Nhiều hôm các bà phải "bán rẻ như cho", hoặc tiếc của lại gánh mang về nhà, hôm sau đi bán tiếp...

Cực nhọc quá, bà đâm mê tín, cứ lúc chuẩn bị gánh hàng đi bán lại gọi tôi dậy, bảo tôi ra cổng...đón ngõ! Khi nào thấy mẹ quảy gánh ra thì đi vào sân nhà và nói câu thần chú: "Mẹ đi chợ bán đắt hàng nhanh về nhé. 😃

Chẳng biết có hiệu nghiệm không, đến tận bây giờ tôi cũng chẳng biết. Nhưng cứ hôm nào bán hết, được giá...thì về tới cổng mẹ cười nói oang oang, còn mua cho anh em tôi đùm kẹo mấu, cái ngô non, hay vài quả thị...Hôm nào ế, không biết mà lại hỏi quà là y như rằng bị cáu: "Có bán được đâu mà quà với bánh". 😃

Câu chuyện của mẹ, của thím tôi cũng là câu chuyện của xóm làng láng giềng, của cái làng, của nông thôn miền Bắc (tôi không rõ bà con miền Nam ra sao). Dù bán được nông sản hay không, lứa được lứa mất nhưng hầu như bà con họ chỉ trồng những loại cây và chăn nuôi những con vật quen thuộc, không thấy có sự đổi mới gì.

Những năm gần đây, đã có một số thương lái nổi tiếng, đưa ra mấu chốt vấn đề nghe rất lạ: "Thương mại quyết định sản xuất".

Quan điểm này nhiều người nghe sẽ không hiểu được. Tôi diễn giải đại ý thế này:

- Lâu nay, bà con nông dân Việt Nam mình trồng gì, nuôi gì là do thói quen và cảm tính quyết định. Chỉ trồng và nuôi những thứ như...nhà hàng xóm đang trồng và nuôi thôi. Còn có bán được hay không thì có trời mới biết!. Cho nên, cứ được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá cao. Cái này nghe thì bất công, nhưng cũng đúng quy luật, sản xuất cái gì thừa, cung nhiều hơn cầu thì ê sắc ế.

Kể cả bây giờ vẫn vậy, chúng ta luôn bán cái mình có mà không...bán cái thị trường cần. Nói ngược lại: Cái mà thị trường không cần hoặc ít cần thì lại...đổ xô sản xuất. Cái thị trường cần, còn khan hiếm...thì lại chẳng tạo ra.

Đây là mấu chốt của vấn đề, khiến hàng năm, chúng ta lại hô hào giải cứu...! Thực ra có cứu được đâu, mà cứu được một tí thì ăn thua gì!

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán mông cho trời thì làm sao họ biết được: "Trồng cây gì, nuôi con gì?"

Lê Nam nghĩ, đó là việc của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và cơ quan liên quan... Nhà nước phải nghiên cứu, làm việc với doanh nghiệp thương mại...để trả lời câu hỏi:

- Thị trường trong nước cần gì, không cần gì?
- Thị trường nước ngoài đang cần gì, không cần cái gì?

Những thông tin này là cực kỳ quan trọng, giúp nhà nông điều chỉnh lại mặt hàng mà họ định sản xuất. Tức là chỉ sản xuất ra cái mà thị trường cần, không sản xuất ra cái mình có (nhưng thị trường lại chẳng cần).

Lĩnh vực nông nghiệp là vậy. Các lĩnh vực khác, như công nghiệp, tôi nghĩ cũng vậy thôi. Chị tôi là nhà thương mại lâu năm, am hiểu thị trường Đức và Việt Nam từng tâm sự:

Những quốc gia Châu Âu như Đức đã và đang có hàng hóa máy móc công nghiệp chất lượng và uy tín hàng đầu thế giới...Vậy thì Việt Nam mình đừng mộng tưởng xuất khẩu những mặt hàng này tới nước họ (bán hỏng ai mua đâu, thất bại là chắc chắn). Mà nên xuất khẩu những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng xứ cận nhiệt đới...những thứ mà họ không thể sản xuất được, thì mới có cơ may bán được.

Cho nên tôi nghĩ THƯƠNG MẠI QUYẾT ĐỊNH SẢN XUẤT là một quan điểm cực kỳ đúng đắn. Nếu nhà nước lắng nghe người làm thương mại nói, chắc chắn sẽ đem lại những thành quả kỳ diệu cho kinh tế Việt Nam.

Thăm dò ý kiến Nhận xét của bạn về trang web này?
 
43%
 
23%
 
28%
 
4%