Phóng sự "Chuyện ở thôn Mị" ghi nhận và đánh giá về sự tác động của Dự án đến, góp phần vào việc làm thay đổi nhận thức của cộng đồng cũng như những bậc làm cha làm mẹ về việc chăm sóc con nhỏ đúng cách ngay từ sau khi chúng được sinh ra.
Đoàn làm phim của Công ty Adcentral chúng tôi đến với Thôn Mị thuộc xã Yên Nhân, Huyện Thường Xuân, Tỉnh Thanh Hóa vào một ngày đầu tháng 9 đầy nắng. Đây là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân với diện tích 190,88 km², dân số khoảng 5.000 người, mật độ dân số 25 người/km². Nếu như vài năm trước đây, hành trình từ trung tâm huyện tới đây có khi mất tới cả ngày đường (vào mùa mưa), thì hiện nay giao thông đã thuận lợi hơn nhiều.
Đã có một vài dấu hiệu cho thấy về sự đổi thay trên mảnh đất này, nhưng không nhiều. Đời sống nhân dân do đó vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Mức sống thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn cao, và những tập tục sinh hoạt lâu đời đã và đang là những trở ngại lớn đối với công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hiện nay.
Một góc thôn Mị
Theo chân cán bộ y tế, chúng tôi đến thăm gia đình anh Vi Văn May và chị Lang Thị Liên, một cặp vợ chồng trẻ chạc tuổi 24 - 24. Anh May và chị Liên có ba người con: Bé Vi Thị Quang Linh 5 tuổi, bé Vi Thị Phương Lan 3 tuổi và đứa út này mới sinh được hơn 3 tháng, hiện chưa được gia đình đặt tên. Theo các cán bộ y tế, cả 3 bé đều đang ở tình trạng bị suy dinh dưỡng, có dấu hiệu còi xương.
Bữa trưa của gia đình anh May và chị Liên hôm nay có vẻ được cải thiện hơn mọi ngày vì họ mới được người bà con cho bát thịt. Còn hầu như quanh năm ăn uống đều rất đạm bạc, thiếu thịt, cá và thiếu cả rau xanh. Thu nhập hạn chế lại sinh nhiều con, cuộc sống của các gia đình nơi đây cứ lặp đi lặp lại như vậy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia. Nó là cái vòng lẩn quẩn siết chặt cuộc sống của bao gia đình. Và những đứa trẻ sinh ra phải gánh chịu bao thiệt thòi, khó khăn, thiếu thốn.
Kinh tế eo hẹp, kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng con nhỏ còn hạn chế chính là điều kiện để những phong tục lạc hậu vẫn mãi đeo bám. Đứa trẻ mới sinh ra đang còn đỏ hỏn trong tay nhưng đã phải ăn miếng cơm nhai có tính chất tập tục. Bú mẹ chẳng được bao lâu, độ khoảng 2 – 3 tháng sau, chúng đã bắt đầu phải ăn cơm nhai thường xuyên. Cảnh đứa trẻ ngậm cơm, khóc ngặt nghẽo khiến những ai chứng kiến không khỏi bùi ngùi, thương xót!
Cuộc sống như vậy nên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (nhất là 11 huyện miền núi) còn có rất nhiều những em bé không được chăm sóc nuôi dưỡng đúng cách, trở nên gầy guộc, thấp bé, nhẹ cân. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp, còi của Thanh Hóa chiếm 31,6%; trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân chiếm 20,8% và 7,8% trẻ suy dinh dưỡng gầy còm. Thanh Hóa hiện đang đứng đầu cả nước về số lượng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi; đứng thứ 2 cả nước về số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng gầy còm. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh chỉ đạt 53,9% (ở khu vực thành thị) và 59% (ở khu vực nông thôn); tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu chỉ là 5%. Những số liệu quả thực vô cùng nhức nhối!
Năm 2010, Thường Xuân tiếp nhận, thực hiện Dự án phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em Alive & Thrive (A&T) giai đoạn 2010 – 2013 do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam. Hoạt động của dự án đã và đang góp phần vào việc làm thay đổi nhận thức của cộng đồng cũng như những bậc làm cha làm mẹ về việc chăm sóc con nhỏ đúng cách ngay từ sau khi chúng được sinh ra.
Tại thôn Mị, hằng tuần các buổi họp nhóm tư vấn đều được đội ngũ y tế thôn tổ chức đầy đủ nhằm cung cấp kiến thức và thay đổi tập quán nuôi con của các gia đình nói chung và các bà mẹ bà mẹ ở đây nói riêng. Dù quá trình triển khai thực hiện còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng thông qua các hoạt động như thế này, các ông bố bà mẹ đã có suy nghĩ, hành vi nuôi con nhỏ tiến bộ hơn.
Bà mẹ trẻ Hà Thị Thương – thôn Mị cho chúng tôi biết: Hoạt động của dự án ít nhiều đã ít nhiều làm thay đổi những thói quen lạc hậu không có lợi cho sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tham vọng thay đổi hẳn tập tục, thói quen của người dân, hướng họ làm theo những khuyến cáo khoa học trong chăm sóc dinh dưỡng trẻ nhỏ là một điều cực kỳ nan giải.
Tạm biệt Yên Nhân, lòng chúng tôi rộn lên những cảm xúc bồi hồi, nặng trĩu. Chúng tôi biết rằng cuộc chiến phòng chống suy dinh dưỡng nơi này vẫn còn rất cam go, quyết liệt. Và điều đó có nghĩa là việc xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên những vùng đất như thế này vẫn còn quá nhiều việc phải làm…