Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP Foundation)
Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (AIP) là tổ chức phi chính phủ hàng đầu của Sáng kiến toàn cầu Mũ Bảo Hiểm là Vắc xin (GHVI) – Đây là một liên minh quốc tế với mục tiêu mỗi người đều đội mũ bảo hiểm trong “Thập kỷ Hành động vì An toàn Giao thông Đường bộ”. GHVI đã mở rộng các chương trình của AIP ra ngoài châu Á và góp phần đạt mục tiêu của Thập kỷ là giảm một nửa số tử vong và thương tích do va chạm giao thông vào năm 2020.
Tầm nhìn của AIP là: Một thế giới với…những con đường an toàn hơn, những người tham gia giao thông thông minh hơn và những đất nước có môi trường giao thông đường bộ phục vụ cho việc phát triển kinh tế và con người…Các công ty tư nhân, cơ quan chính phủ và khu vực công cùng hợp tác để tạo sự thay đổi bền vững trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.
Nỗ lực của AIP tại Thanh Hóa
AIP đã thực hiện một cuộc nghiên cứu vào tháng 11 năm 2014, tại 10 xã của huyện Tĩnh Gia cho thấy: Phần lớn người dân địa phương vẫn có kiến thức hạn chế về ATGT. Chỉ có 16,7% có kiến thức đúng về tốc độ giới hạn, 33,8% không biết quy định về việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Nhìn chung nhiều người tham gia trả lời phỏng vấn có thái độ tích cực với vấn đề đội mũ bảo hiểm, giới hạn tốc độ và sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ đối tượng vẫn có thái độ tiêu cực. Họ cho rằng lái xe nhanh sẽ thoải mái hơn, lái xe nhanh cũng không tăng nguy cơ tai nạn, 26,7% đối tượng vẫn không tin rằng uống rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tai nạn; 16,2% cho rằng mũ bảo hiểm là không cần thiết nếu đi những quãng đường ngắn.
Từ nhận thức như vậy cho nên vẫn có rất nhiều người lái xe sau khi uống rượu bia (24,6%). Có nhiều người nói đến việc sử dụng mũ bảo hiểm tuy nhiên vẫn có 15% không sử dụng mũ bảo hiểm khi đi trên những đoạn đường ngắn, trên 30% đối tượng đi sai làn đường và chỉ có 36% đối tượng giảm tốc độ khi đi từ trong ngõ, đường nhỏ ra đường lớn.
Bên cạnh yếu tố chủ quan thuộc về mỗi cá nhân khi tham gia giao thông thì vấn đề hạ tầng và môi trường giao thông ở Nghi Sơn cũng nổi lên một số yếu tố cần khắc phục. Tuyến đường quốc lộ 1A đang được cải tạo, các tuyến đường tỉnh lộ đặc biệt 513 có chất lượng không tốt cả về hạ tầng và môi trường đặc biệt khu vực Tân Trường, Xuân Lâm và Hải Thượng. Các đường giao thông liên thôn có giao cắt với đường tỉnh lộ, quốc lộ còn thiếu rất nhiều biển cảnh báo nguy hiểm.
Nỗ lực cùng với NSRP và JGCS
Với mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông cả về số vụ và thiệt hại về người và tài sản, AIP cùng với Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và Công ty TNHH GJC Việt Nam (Nhà thầu chính tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn) đã tiến hành các hoạt động: Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho thanh thiếu niên, học sinh và người dân sống tại các xã nằm trên tuyến đường giao thông trong giai đoạn xây dựng dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Đối tượng chính của dự án là người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và nằm trên tuyến đường vận chuyển trong thời gian xây dựng dự án Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, bao gồm: xã Tân Trường, Mai Lâm và Hải Thượng.
Chiến lược thực hiện dự án là: Nâng cao nhận thức của người dân, từ đó làm thay đổi hành vi, trở thành thói quen để rồi mọi người cùng tự giác tuân thủ luật giao thông.
Nâng cao nhận thức bằng việc tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức lái xe an toàn, hội thảo, tài liệu truyền thông, tổ chức ngày hội an toàn giao thông cho người dân và học sinh. Đánh giá kết quả qua các phương pháp khảo sát đánh giá trước và sau khi triển khai các hoạt động. Kết quả: Người dân tham gia giao thông an toàn hơn và giảm thiểu tỷ lệ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Giai đoạn 1 của dự án kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 /2014. Bao gồm các bước kế hoạch hoạt động tuần tự như: Lập kế hoạch dự án và trình, phê duyệt với các bên liên quan; Họp với các bên liên quan thống nhất phương pháp hợp tác và triển khai dự án; hội thảo định hướng, tập huấn tình nguyện viên; tổ chức 03 ngày hội an toàn giao thông cho cộng đồng thu hút hơn 1.000 người tham gia; tổ chức 06 ngày hội an toàn giao thông tại 06 trường Tiểu học và Trung học cơ sở với 3.260 học sinh tham dự.
Giai đoạn 2 của dự án kéo dài từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015, bao gồm các hoạt động: Tổng kết hoạt động giai đoạn 1 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2; khảo sát đánh giá dữ liệu ban đầu và đưa ra để xuất; tập huấn tình nguyện viên và học sinh trong trường học; giáo dục an toàn giao thông trong trường học, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn và tập huấn nâng cao kiến thức lái xe an toàn.
Ngoài ra nhà thầu JGCS còn tổ chức các lớp tập huấn lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn cho công nhân và nhiều hoạt động tuyên truyền khác nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của công nhân dự án.
Nỗ lực của Adcentral
Được sự tín nhiệm của AIP, NSRP và JGCS, Công ty Adcentral đã nỗ lực đưa ra những phương án, giải pháp tổ chức chuỗi các "Đêm hội về an toàn giao thông" một cách ấn tượng, sáng tạo và hấp dẫn. Các chương trình đã thu hút rất đông đảo bà con nhân dân tham gia. Ai cũng háo hức, phấn khởi với những chương trình nghệ thuật, hài kịch, ảo thuật...trả lời các câu hỏi vui về an toàn giao thông để nhận về những phần quà hấp dẫn...
Thông qua những đêm hội như thế này, bà con các xã chịu ảnh hưởng bởi quá trình xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn đã có cơ hội được tham dự hoạt động văn hóa tinh thần bổ ích, lý thú sau một ngày làm việc vất vả. Đồng thời cũng được được tiếp cận những kiến thức về phòng chống tai nạn giao thông. Qua đó, mỗi người tự điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông để bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của bản thân, gia đình và cộng đồng.