Doanh nghiệp, những người kinh doanh đã trải qua một năm khốn khó. Năm 2021, tình hình có khả quan hơn nhưng cũng khó có khởi sắc. Vậy phải làm vì đây?
Chúng tôi giới thiệu bài viết của tác giả Linh Nguyễn - một chủ doanh nghiệp kinh doanh trà sữa - để bạn tham khảo.
Sống sót
Nếu bạn hỏi kế hoạch kinh doanh năm 2021 là gì, hầu hết các doanh nghiệp sẽ trả lời bạn đó là: Sống sót. Phải sống đã rồi mới nói tiếp được.
Vào đầu năm 2020 khi dịch bắt đầu, các ông lớn rục rịch co lại. Nhưng chỉ là thái độ cục bộ, vì họ hy vọng một kỳ tích như năm Sars xuất hiện, chỉ thoáng qua rồi xong.
Tuy nhiên, cái mà họ không lường được là cúm Vũ Hán không hiền hòa như Sars. Do đó, sau 1 năm gồng mình, họ buộc phải thay đổi để sống sót.
Năm 2021 sẽ làm năm cải tổ của hầu hết các doanh nghiệp lớn. Sự cải tổ này sẽ đi theo hướng tiêu cực cho thị trường lao động. Tức họ sẽ chuyển đổi nhiều sang mô hình sử dụng máy móc và cố gắng thu hẹp tiết kiệm nhân lực nhất có thể.
Điều đó sẽ đưa tới việc lực lượng lao động dư thừa nhiều hơn. Và các mô hình kinh doanh nhỏ sẽ mọc lên như nấm sau mưa vì lượng lao động dư thừa không tìm được việc làm.
Khi thị trường ngập tràn các quán lề đường và online thì bạn sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Vậy bạn phải làm gì để sống sót?
Từ năm 2019, khi chưa bùng phát dịch covi-19, tình hình kinh doanh đồ uống đã vô cùng khốc liệt.
Để sống sót bạn phải trả lời 2 câu hỏi sau:
1. Lý do gì khách phải mua của bạn mà không phải quán kế bên hay quán a, b, c trong khu vực?
2. Trước đây có 100 khách biết bạn nhưng nay 100 khách biết bạn cũng biết thêm 80 quán khác. Vậy làm sao để khách cũ không quên, khách mới biết đến?
Vậy là Cuộc chiến chốn thâm cung bắt đầu…
Cứ xem việc cạnh tranh như 1 cuộc cung đấu và khách hàng là 1 “ông Vua” với dàn mỹ nữ lượn lờ xung quanh…
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải làm gì trong thời đại covid-19?
Các bước để “Vua” để ý đến bạn
Bước 1: Bạn cần tăng giá bán.
Đừng vừa đọc tới đây lại nghĩ rằng bán ế còn tăng giá quỉ mua. Tăng giá là cả 1 nghệ thuật. Chỉ nên tăng giá nếu bạn đang bán ở mức giá 8.000 - 15.000. Hãy tính mức giá sao cho cost (vốn nguyên liệu) ở mức 25 - 30 %. Nếu cao hơn mức này, cố gắng lên giá cho đạt mức này.
Vì sao phải tăng giá?
Thứ 1: Do tình hình dịch bệnh phức tạp, khách được huấn luyện phản xạ tự nhiên kích ứng cơ chế bảo vệ cơ thể. Họ sợ bệnh, sợ xảy ra biến đổi sức khỏe vì sự ám ảnh vào việc rẻ = độc. Nên việc giá của bạn ở mức an toàn sẽ làm khách yên tâm hơn khi sử dụng.
Thứ 2: Việc tăng giá làm tăng biên độ lợi nhuận, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để làm những bước kế tiếp.
Bước 2: Lấy công làm lời. Giao hàng đừng nhờ app.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh trong cơ chế dịch bệnh khách ngại đến quán và ra đường bạn buộc phải giao hàng tận nơi cho khách. Với tình hình các app thu 25% đến 35% việc bạn bán trên app gần như không có lãi, chỉ dùng app để quảng cáo.
Do đó hãy tự cắt lãi mà quán tự đi giao cho khách. Việc bạn Free Ship là 1 cách dụ dỗ khách hiệu quả nhất.
Bước 3: Đóng gói kín tuyệt đối.
Hãy sử dụng các loại hình đóng gói kín tuyệt đối như: Hàn miệng ly, đóng chai...vv. Thay vì sử dụng nắp ly, nắp cầu, vì việc đóng gói kín tuyệt đối với lời quảng cáo "Tuyệt đối vô trùng" sẽ làm khách yên tâm hơn khi gọi món giao hàng trong tình hình dịch khắp nơi như hiện tại.
Bước 4: Tiết kiệm tuyệt đối cho khách.
Bằng cách tăng phương thức giao tiếp với khách hàng trên các kênh liên lạc như Facebook, Zalo... khách không cần phải gọi điện thoại đặt hàng, chỉ cần bấm bấm phím là có ngay món uống. Bạn đã có thể đoạt được trái tim khách dễ dàng nhất.
Bước 5: Lợi nhất cho khách hàng trong phạm vi có thể.
Có thể bạn sẽ cảm thấy bước 5 và bước 1 có vẻ đang oánh nhau. Cơ mà chúng nó hài hòa 1 cách tuyệt vời. Vì bước 1 bạn tăng giá bán, nên ở bước 5 bạn lại có đủ lợi nhuận để làm các chương trình khuyến mãi khủng. Ví như: tặng thạch, tặng quà, tặng móc khóa, mua 1 tặng 1...vv. Hoặc bạn sẽ đủ tiền chăm chút vô cái ly xinh xắn, cái bình thiệt đẹp. Đủ tiền lời để bù ship dù khách chỉ đặt 1, 2 ly. Làm cho khách hàng luôn cảm thấy họ đang được lợi vô cùng khi mua của bạn.
Linh Nguyễn